image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 2577
  • Trong tuần: 35 634
  • Tất cả: 1928746
Admin
11/160 giải pháp thuộc lĩnh vực GD&ĐT được công nhận sáng kiến cấp tỉnh trong đợt 2, năm học 2015-2016

Sáng ngày 29/12/2016, Hội đồng Sáng kiến tỉnh Bình Phước đã họp xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh khối GD&ĐT, đợt 2, năm học 2015-2016. Kết quả, có 11/160 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh.


Theo báo cáo của Tổ Thư ký, hiện nay, Tổ Thư ký đã tiếp nhận được tổng số 383 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực GD&ĐT trong năm học 2015 - 2016. Trong đợt 1, Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã họp xét công nhận được 5 sáng kiến cấp tỉnh, số còn lại được xem xét trong đợt 2 và đợt 3. Qua lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực áp dụng sáng kiến và kết quả kiểm tra, xác minh thông tin từ một số tác giả và cơ sở áp dụng sáng kiến, Tổ Thư ký và Tổ Chuyên môn đã tham mưu cho Sở KH&CN trình ra Hội đồng xem xét 160 giải pháp trong đợt 2 này. Theo danh sách tổng hợp của Tổ Thư ký, có 11 giải pháp đủ điều kiện công nhận sáng kiến cấp tỉnh, còn lại 149 giải pháp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Theo đánh giá chung của các thành viên dự họp, đa số nội dung các giải pháp được các tác giả trình bày dàn trải, thường ôm đồm nhiều giải pháp trong một Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến mà không đi vào trọng tâm mô tả bản chất sáng kiến nên không rõ quy trình áp dụng để có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Một số giải pháp có biểu hiện tác giả đã sao chép nội dung sáng kiến, tài liệu của các tác giả khác đã được công bố trên mạng Internet. Trong đó có trường hợp trùng hoàn toàn với sáng kiến của tác giả khác đã đưa lên mạng Internet (điển hình là trường hợp của tác giả ở Trường THCS Tân Phước, Đồng Phú); có trường hợp thì trùng tên giải pháp nhưng nội dung trình bày có chỉnh sửa đôi chút nhưng cũng không làm rõ được tính mới và không chứng minh được khả năng mang lại hiệu quả cao hơn các giải pháp đã biết; có trường hợp đưa ra sáng kiến gồm nhiều giải pháp và mỗi giải pháp có biểu hiện sao chép từ mỗi nguồn khác nhau nên dẫn tới các phông chữ, giãn dòng không đều nhau, trong đó có một hoặc một số giải pháp có nội dung trùng nguyên văn với giải pháp của tác giả khác; đa số các giải pháp đưa ra không thể hiện được tính mới, thực chất là việc tổng hợp các giải pháp đã biết và cũng là nhiệm vụ chuyên môn cũng như chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà tác giả với vai trò là nhà quản lý, nhà giáo phải thực hiện; có một số giải pháp tác giả đưa ra với mục đích nâng cao hiệu quả dạy và học nhưng lại sai về mặt kiến thức nên không có cơ sở áp dụng, nhân rộng. Nhiều sáng kiến được tác giả đặt tiêu đề chưa phù hợp với nội dung sáng kiến, thường là “một số giải pháp” nên dẫn tới nội dung trình bày dàn trải, không đi vào trọng tâm giải pháp thể hiện là sáng kiến của tác giả. Nhiều tác giả nêu hiệu quả áp dụng sáng kiến ở một số lớp học được áp dụng sáng kiến và đối chứng với lớp chưa được áp dụng sáng kiến nhưng đều là các lớp do tác giả được phân công giảng dạy nên việc đưa ra các số liệu về kết quả các bài kiểm tra và kết quả tổng kết, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học ở môn học đó chưa thể hiện được tính khách quan; một số tác giả nêu hiệu quả áp dụng sáng kiến một cách cảm tính, chung chung, chưa có minh chứng rõ ràng nên không có tính thuyết phục cao, thậm chí xa vời so với thực tế vì sáng kiến tác giả đưa ra chỉ tập trung giải quyết vấn đề ở một bài học, một chương hoặc một phần rất nhỏ trong cả chương trình sách giáo khoa nhưng tác giả lại lấy kết quả đánh giá của cả môn học đó để chứng minh cho hiệu quả áp dụng sáng kiến. Thậm chí có tác giả nêu hiệu quả áp dụng sáng kiến lại mâu thuẫn với chính phần đánh giá thực trạng trước khi áp dụng sáng kiến. Các sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến của Sở GD&ĐT thông qua và trình Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh có chất lượng tốt hơn các đơn vị còn lại. Kết quả đánh giá của Hội đồng Sáng kiến ngành GD&ĐT ở một số huyện, thị xã và các đơn vị trường học chưa thực sự chất lượng, cá biệt còn thể hiện thiếu trách nhiệm và khi nhận xét vào các hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh; có những giải pháp sao chép từ các tài liệu đã có trên mạng Internet, không đáp ứng đủ các điều kiện để được công nhận là sáng kiến nhưng vẫn được công nhận sáng kiến ở cấp huyện và tiếp tục được đề nghị lên Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh. Do đó, số lượng sáng kiến ngành GD&ĐT tuy nhiều gấp hơn 2 lần so với khối các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan cấp huyện, cấp xã nhưng chất lượng lại không cao.

Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho giáo viên trong quá trình xét công nhận sáng kiến và tránh bệnh hình thức trong hoạt động này, một số thành viên Hội đồng cũng kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh để kiến nghị với UBND tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chấp thuận cho áp dụng Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục khi công nhận một số thành tích của giáo viên tương đương với sáng kiến.

Theo kết quả bỏ phiếu của các thành viên Hội đồng, có có 11/160 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh trong đợt này.

Nguồn tin từ Sở KH&CN tỉnh Bình Phước.

Copyright © 2021 - Phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài

Chịu trách nhiệm nội dung: Ban biên tập

 Địa chỉ:Đường 9 tháng 6, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước

 Điện thoại:0271.3879731

 Email:phonggiaoduc.dx@gmail.com

Design by VNPT Bình Phước | Quản trị