image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 3065
  • Trong tuần: 40 438
  • Tất cả: 1520226
Admin
Báo Bình Phước: Dịch chuyển công nghệ số để thích ứng với dịch

BPO - Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người mặc định Zalo, Facebook chỉ là nơi sống ảo của giới trẻ, nơi lưu giữ hình ảnh, ký ức đẹp của những người yêu thích mạng xã hội. Thế nhưng, từ khi Covid-19 bùng phát rồi thực hiện giãn cách nhiều lần, trong nhiều tháng thì đây là 2 trong số những hạ tầng được những người lớn tuổi tìm hiểu và tìm cách tiếp cận để sử dụng.

Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Quang Hường và vợ cũng tích cực học hỏi để sử dụng điện thoại thông minh hiệu quả nhất. Ảnh: Hồng Thoại

Nằm lọt thỏm giữa vườn điều và cao su xanh mướt, bao năm nay căn nhà nhỏ của lão nông Nguyễn Quang Hường, khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú vẫn chưa có Internet. Ở cái tuổi 65, vợ chồng ông không nghĩ Zalo, Facebook… có thể khiến họ bận tâm vì lâu nay chỉ quen cập nhật tin tức hằng ngày qua màn hình tivi.  

Ông bà có 4 người con thì 3 người đang làm việc, thường trú ở Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Bình thường vào những dịp cuối tuần hay lễ, tết, giỗ chạp họ vẫn thường xuyên trở về quây quần bên đại gia đình. Thế nhưng đã hơn 4 tháng nay, từ khi Bình Phước có ca F0 đầu tiên và tiếp đó là thực hiện giãn cách liên tục từng đợt ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thì các con cháu ở xa dù rất muốn nhưng không thể về thăm ông bà được.

Thương dâu, nhớ cháu và cũng sốt ruột khi cô con dâu cả ở Sài Gòn trở thành F0, ông bà đầu tư Internet, học cách sử dụng các tiện ích của điện thoại thông minh nhiều hơn ngoài việc nghe, gọi như trước đây. Qua hướng dẫn từ xa của con cháu, từ chỗ trắng về công nghệ thì nay ông bà đã tự sử dụng Zalo, Facebook để được thường xuyên nhìn thấy và chuyện trò cùng các con. Họ động viên nhau cùng cố gắng giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bản thân, gia đình thật tốt để an toàn trong đại dịch. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, vợ ông Hường chia sẻ: “Bản thân lớn tuổi, mắt cũng kém nhưng dịch Covid-19 kéo dài, con cháu không thể về thăm được thì cũng cố mày mò, học hỏi để sử dụng cho được các thiết bị thông minh. Qua kết nối thấy con cháu an toàn, khỏe mạnh là an tâm”.

Còn đối với học sinh trên địa bàn tỉnh, năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu được hơn một tháng với hình thức học online là chính. Sau những bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu thì giờ đây phần lớn phụ huynh và học sinh đã dần làm quen với việc học qua các ứng dụng Google Meet, Zoom trên điện thoại thông minh, máy tính các loại…. 

Mục tiêu “ngừng đến trường nhưng không ngừng học” đang được thực hiện từng ngày trên từng trang sách, quyển vở của các em. Học sinh lớp 1, lớp 2 là những đối tượng chiếm nhiều sự quan tâm của phụ huynh và cả xã hội khi mà độ tuổi của các em còn quá nhỏ với hình thức học này. Thế nhưng tự bản thân các em cũng đã có một sự cố gắng đáng nể. 

Em Trần Thiên Kim, học sinh lớp 2A8, Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Đồng Phú bày tỏ: “Lúc đầu con cũng chưa biết làm sao để có thể vào học được, phải nhờ ba, mẹ hoặc chị giúp đỡ, nay thì con tự làm được rồi. Qua học tập con cũng tiếp thu được bài, bài tập cô giao thì con tự chụp lại bằng điện thoại và gửi cho cô giáo”.

Công nghệ cũng giúp cho việc học của học sinh không bị gián đoạn trong mùa dịch. Ảnh: Hồng Thoại

Không chỉ phục vụ cho nhu cầu gặp gỡ hay học tập mà những phần mềm mới từ công nghệ số cũng được nhiều người khai thác và ứng dụng vào trong giải trí một cách bài bản. Trong thời gian giãn cách, lớp dạy thanh nhạc online của cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Trung tâm Âm nhạc Trần Nguyên ở thành phố Đồng Xoài ra đời. Lớp học đã nhanh chóng thu hút những người có đam mê ca hát tham gia. 

Ngoài ra, cô Dung còn mở một lớp dạy hát online miễn phí cho gần 80 người, ở các độ tuổi khác nhau, muốn trãi nghiệm hình thức học mới mẽ này cũng như thoả mãn nhu cầu giải trí lành mạnh của bản thân vào Chủ nhật hàng tuần. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực từ hai phía cả người trao và người nhận, giờ đây những giờ học thanh nhạc online của cô Dung đã tạo ra nhiều giá trị hơn cả mong đợi. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dung đang say sưa hướng dẫn học viên luyện thanh online. Ảnh: Hồng Thoại

Rõ ràng khi bị đặt vào một hoàn cảnh buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng, để tiếp tục tồn tại thì mọi giới hạn dường như bị đẩy lùi về phía sau và lần này sự dịch chuyển về công nghệ số là một minh chứng. Giờ đây từ người già đến trẻ em đều dùng công nghệ nhanh hơn hẳn. Người không thạo điện thoại thông minh bây giờ cũng biết cài app, tự khai báo y tế online, cập nhật ứng dụng mới để trình Thẻ xanh Covid hay quét mã QR mỗi khi đến điểm công cộng. 

Ai cũng phải thích ứng với công nghệ vì sức khỏe, học tập, giao tiếp, mua sắm, cả văn hóa giải trí.. Dĩ nhiên dịch bệnh khiến cả xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng thực tế đã cho thấy rằng, dịch bệnh cũng khiến mọi người chú trọng hơn việc bồi dưỡng bản thân, sẵn sàng tìm hiểu về những thứ mới mẻ để trang bị thêm cho mình kỹ năng sống tốt hơn, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ly Na

Nguồn: Báo bình Phước

Copyright © 2021 - Phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài

Chịu trách nhiệm nội dung: Ban biên tập

 Địa chỉ:Đường 9 tháng 6, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước

 Điện thoại:0271.3879731

 Email:phonggiaoduc.dx@gmail.com

Design by VNPT Bình Phước | Quản trị